Tiêm phòng lao cho trẻ

Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh là việc chủng ngừa bắt buộc trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Việc chủng ngừa này giúp trẻ phòng tránh bệnh lao hiệu quả.

1. Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh bằng vắc xin nào?

Tại Việt Nam, trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ được chủng ngừa bệnh lao bằng vắc xin BCG (bacille Calmette-Guerin). Trong một số trường hợp, người trưởng thành chưa từng mắc bệnh này (xét nghiệm âm tính với lao) cũng được chủng ngừa bằng loại vắc xin này.

Vắc xin BCG hoạt động theo cách cho người chủng ngừa tiếp xúc với một lượng vi khuẩn lao sống đã được làm giảm độc lực, không có khả năng gây bệnh. Điều này làm cho cơ thể phát triển khả năng miễn dịch đối với căn bệnh này.

Vắc xin BCG không được dùng để điều trị cho người bị nhiễm trùng lao. Tương tự như các vắc xin khác, vắc xin này cũng không bảo vệ bạn khỏi nguy cơ bị nhiễm bệnh 100%.

2. Đối tượng cần tiêm vắc xin BCG?

Theo Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế Việt Nam về ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc thì BCG là vắc xin bắt buộc phải tiêm cho trẻ sơ sinh.

Ngoài trẻ trong độ tuổi sơ sinh, trẻ em và người lớn dưới 35 tuổi có nguy cơ mắc bệnh lao cũng có thể tiến hành chủng ngừa trong một số trường hợp đặc biệt theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý: Các trường hợp trẻ từ 1 tuổi trở lên cần thận trọng và cân nhắc chỉ định tiêm vắc xin BCG vì nguy cơ phản ứng phụ sau tiêm thường tăng cao. Hiện không có bằng chứng cho thấy việc chủng ngừa vắc xin BCG ở những người trên 35 tuổi có hiệu quả.

3. Những đối tượng không nên tiêm phòng lao

 

Trẻ sơ sinh

Không nên chủng ngừa vắc xin BCG cho trẻ sơ sinh trong các trường hợp sau:

  • Sốt trên 37,5 độ C
  • Mắc một trong các bệnh như: suy giảm miễn dịch bẩm sinh, viêm da có mủ, vàng da, viêm phổi, viêm tai, mũi, họng…

Trẻ nhỏ và người lớn

  • Bị ung thư
  • Nhiễm HIV hoặc AIDS
  • Quá mẫn cảm với vắc xin
  • Bị suy dinh dưỡng thể nặng
  • Đang sử dụng các thuốc chống viêm
  • Xét nghiệm lao trên da cho kết quả dương tính
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ…

Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh ở đâu, bao nhiêu tiền?

Việc tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh thường được thực hiện tại cơ sở y tế sản khoa ngay sau khi sinh hoặc tại các trạm y tế phường xã, các trung tâm y tế hiện thành phố… trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Việc tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh bằng vắc xin BCG trong chương trình tiêm chủng mở rộng là hoàn toàn miễn phí.

Ngoài ra, cha mẹ có thể lựa chọn cho bé tiêm phòng lao dịch vụ tại các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám hoặc các trung tâm tiêm chủng uy tín, chất lượng và an toàn.

6. Phản ứng phụ sau khi tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh

 

Ngay sau khi tiêm

– Vùng da chỗ vết tiêm sẽ xuất hiện vết đỏ nhỏ và thường biến mất sau 30 phút – 1 giờ.

Trong 24 giờ sau tiêm

Vết tiêm có biểu hiện sưng, áp xe tại chỗ, có thể kèm sốt nhẹ, nổi hạch. Các triệu chứng này thường tự hết sau 1 – 3 ngày mà không cần phải điều trị.

Sau tiêm 2 tuần – 2 tháng, thậm chí là lâu hơn

Da tại vết tiêm bị đỏ, có mủ trắng, mụn mủ tự vỡ tạo vết loét diễn ra trong khoảng 2 tuần. Sau đó, vết loét tự lành và để lại một vết sẹo nhỏ khoảng 3 – 5mm. Quá trình này diễn ra đồng nghĩa với việc cơ thể trẻ đã có miễn dịch với vi khuẩn lao.

7. Lưu ý sau khi tiêm phòng lao cho bé

Sau chủng ngừa lao, cha mẹ cần báo cho nhân viên y tế hay đưa trẻ đến cơ sở y tế hay bệnh viện ngay để tránh chuyển biến nghiêm trọng nếu trẻ có các biểu hiện sau:

  • Co giật
  • Nôn trớ, bú kém, bỏ bú
  • Môi, tay chân tím tái
  • Tay chân lạnh, da nổi vân tím
  • Sốt cao hơn 39 độ C, khó đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt kéo dài trên 24 giờ và xuất hiện sau 12 giờ chủng ngừa
  • Phát ban
  • Quấy khóc kéo dài, kém tương tác, li bì và hôn mê
  • Thở nhanh, khó thở co kéo hõm ức, thở rít
  • Hoặc có các dấu hiệu bất thường khác khiến bạn lo lắng

Vắc xin BCG làm vắc xin chứa một dạng vi khuẩn lao sống, có thể “thoát ra” khỏi chỗ tiêm. Điều này đồng nghĩa với việc trong một thời gian ngắn sau khi chủng ngừa, vết loét do tiêm chủng có nguy cơ sẽ lây nhiễm vi khuẩn cho bất cứ thứ gì hoặc bất kỳ ai chạm vào. Do đó, mẹ cần cho bé mặc áo có tay hoặc dán băng gạc lên vết tiêm để che vết loét của con trong ít nhất 24 giờ.

Nếu da chỗ vết tiêm của bé có bất kỳ thay đổi nào hoặc bị kích ứng nghiêm trọng, bị tổn thương, chảy dịch, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Những phản ứng này có thể xảy ra sau khi chủng ngừa lao đến 5 tháng.