Gọi sữa về sau sinh

I. VÌ SAO SỮA VỀ CHẬM VÀ VÌ SAO MẸ ÍT SỮA?

Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo nhất cho bé sơ sinh. Nếu mẹ đang cố gắng tìm cách gọi sữa về, thì đây là điều rất đáng trân trọng, vì điều đó cho thấy mẹ là người thấu hiểu và biết yêu con thương theo một cách khoa học nhất.

Thật không may, nhiều bà mẹ dù rất mong mỏi cho con bú dòng sữa non quý giá của mình ngay sau sinh, nhiều mẹ muốn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ suốt 6 tháng đầu tiên và tiếp tục cho con bú đến hết 24 tháng, tuy nhiên bầu sữa mẹ lại không cho phép điều đó. Như vậy, khi nuôi con bằng sữa mẹ, mẹ có thể sẽ phải đối mặt với 3 vấn đề: sữa về chậm sau sinh, hoặc thiếu sữa, hoặc mất sữa đột ngột khi đang trong thời kỳ cho con bú.

Sữa mẹ về chậm sau sinh không có nghĩa là mẹ sẽ không có sữa hoặc ít sữa cho con bú. Rất có thể sữa sẽ về ào ạt sau đó vài ngày. Chỉ có điều sữa càng về chậm, bé yêu sẽ càng giảm hoặc mất đi cơ hội được bú những giọt sữa non quý giá, dòng sữa chỉ tồn tại đến 48 giờ sau sinh. Còn các mẹ trong quá trình cho con bú vẫn thấy ít sữa, hoặc sữa bỗng giảm dần và có nguy cơ mất hẳn thì cần chú ý hơn. Tốt nhất các mẹ cần trang bị một số kỹ năng và phương pháp để gọi sữa về nhanh và nhiều trong bất kỳ hoàn cảnh nào nhé.

Để thực hiện cách gọi sữa về nhanh nhất sau sinh, trước hết mẹ cần phải hiểu cơ chế sản sinh sữa mẹ. Trong cơ thể người mẹ có 2 thành phần chính chịu trách nhiệm sản xuất sữa và tiết sữa, đó là các hormone prolactin và oxytocin.

Prolactin là hormone được tiết từ tuyến yên có nhiệm vụ chính là sản xuất ra sữa mẹ. Sau khi mẹ hạ sinh, nồng độ prolactin tăng cao. Chúng sẽ đi vào máu đến tuyến vú, kích thích các tế bào tiết ra sữa. Sữa sau khi được sản xuất sẽ được cất trữ tại các nang sữa. Vì vậy cần một cơ chế khác nữa là giải phóng sữa khỏi các nang này và đẩy vào các ống dẫn sữa. Cơ chế này cần đến sự hỗ trợ của hormone khác chính là oxytocin. Oxytocin sẽ làm co bóp các cơ trơn quanh nang, đẩy sữa khỏi nang, đi vào các ống sữa và chảy ra ngoài theo tác động mút ti của em bé.

Như vậy để lượng sẽ mẹ tiết ra nhiều và đều đặn, cơ thể cần được tiết ra lượng prolactin và oxytocin đầy đủ. Trẻ càng mút sữa nhiều cơ thể càng giải phóng prolactin và oxytocin ra nhiều hơn. Ngược lại nếu trẻ bú ít, bú không thường xuyên, cơ thể sẽ điều chỉnh giảm prolactin để tiết bớt sữa lại. Nếu vì một lý do nào đó dẫn đến cơ thể thiếu hụt một trong 2 hoặc cả hai loại hormone trên, mẹ sẽ bị ít sữa, hoặc thậm chí mất sữa.

Hiểu được cơ chế sản sinh sữa mẹ, bây giờ thì bạn đã có thể áp dụng các phương pháp làm sao để sữa về nhiều dưới đây được rồi. Dưới đây là một số cách gọi sữa về nhanh và đặc sánh sau sinh, mẹ cùng tham khảo nhé.

II. CÁCH GỌI SỮA VỀ NHANH VÀ ĐẶC SÁNH SAU SINH

1. Cho con bú mẹ sớm nhất có thể

Ngày nay, da kề da ngay sau sinh giữa mẹ và bé là biện pháp khoa học luôn được bac sĩ tận dụng và tạo điều kiện, vì mang lại rất nhiều lợi ích. Khi tiếp xúc da kề da, theo bản năng bé sẽ tự tìm và bú mẹ, bú một cách tự nhiên, ngon lành. Kèm theo đó, niềm hạnh phúc, những hành động như vuốt ve, âu yếm bé sẽ thúc đẩy nồng độ oxytocin tăng lên trong cơ thể mẹ. Khi hai mẹ con ở gần nhau, bé bú khi theo nhu cầu sẽ tạo nên phản ứng tự nhiên của cơ thể mẹ, tăng prolactin sản xuất sữa. Hơn nữa, oxytocin tiết ra nhiều còn đồng thời kích thích tử cung co bóp, giảm nguy cơ xuất huyết tử cung.

Dù sinh mổ hay sinh thường, ngay sau khi nhau thai bong ra, là cơ thể sẽ tự động bật tín hiệu sản xuất sữa. Dù lúc đó có thể sữa mới chỉ về rất ít, mẹ hãy cứ tự tin cho con bú. Hành động này không chỉ cho con tận dụng những giọt sữa non quý giá đầu đời, mà còn là bước khỏi đầu quan trọng để gọi sữa về nhanh hơn.

Sinh thường là một khởi đầu thuận lợi để mẹ và con sớm tiếp xúc da kề da, cũng như cho con bú sớm nhất ngay sau sinh. Các mẹ sinh mổ sẽ gặp bất lợi hơn, vì mẹ cần một quá trình hồi phục nên khó thực hiện da kề da nếu thực hiện phương pháp phẫu thuật thông thường. Thời điểm cho con bú cũng bị chậm hơn ít nhất là 1 giờ. Với các mẹ yếu hơn thì cần thời gian lâu hơn. Tuy nhiên các mẹ lưu ý không để trễ hơn từ 4 – 6 giờ mới cho con bú. Kéo dài thời gian này bé sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bú mẹ, mẹ có thể tắc tia sữa hoặc sữa càng về chậm hơn. Nếu bé phải xa mẹ hơn 6 giờ, giải pháp cho mẹ là sử dụng máy hút sữa để vừa có sữa cho con ăn, vừa đảm bảo khơi thông dòng sữa tốt.

2. Tích cực cho con bú và cho con bú đúng cách

Đừng vì thấy ít sữa non về chậm hay sữa mẹ ít mà ít cho con bú và chuyển sang dùng sữa công thức, vì khi đó cơ thể mẹ sẽ lầm tưởng rằng nhu cầu sữa của bé không cao, nên không được kích thích sản xuất thêm sữa nữa. Ngược lại hành động bú mẹ của con sẽ kích thích tuyến sữa của mẹ liên tục tiết ra nhiều sữa hơn. Sữa mẹ sản xuất ra theo quy luật cung – cầu. Mẹ càng cho con bú thường xuyên thì sữa tiết ra càng nhiều. Vì vậy, mẹ mẹ nên thoải mái cho con bú theo nhu cầu của bé, không cần phụ thuốc vào bất kỳ thời gian biểu nào. Trong trường hợp con bú không thấy sữa nên chán không chịu bú, mẹ có thể dùng máy hút sữa hút đều đặn nhiều lần mỗi ngày.

Bên cạnh đó, khi cho bé bú cũng cần đúng cách để bé bú được nhiều sữa hơn và kích thích sữa ra nhiều hơn. Mẹ hãy chú ý cho con bú theo các bước dưới đây:

– Khi cho bú, bế bé áp bụng vào bụng mẹ, để bé ngậm sâu quầng đen núm vú, mỗi lần bú từ 20-30 phút.

– Cho bé bú hết một bên bầu vú rồi mới cho bú sang bầu thứ 2, vì sữa mẹ có 2 lớp. Lớp sữa đầu có màu trong, chứa nhiều đạm, vitamin và khoáng chất. Hết lớp này sẽ đến lớp sữa có màu trắng đục và đặc sánh vì có nhiều chất béo. Đây chính là lớp sữa giúp bé tăng cân.

– Cho bé bú càng kiệt sữa trong mỗi bầu vú thì sữa sẽ càng về nhanh và nhiều hơn.

3. Cho con bú kết hợp hút sữa

Những ngày đầu sau sinh, bầu ngực của mẹ mới bắt đầu vận hành tiết sữa, chảy sữa, “nhà máy” sản xuất sữa cũng đang “lắng nghe” cơ thể mẹ để quyết định sản xuất ra lượng sữa hợp lý nhất. Vì vậy, ban đầu nhà máy này hoạt động còn chưa thực sự thuần thục. Việc bú/hút liên tục sẽ tạo 1 con đường mòn giúp sữa ra dễ dàng hơn. Và quan trọng hơn, hút sữa thường xuyên sẽ giúp “đánh lừa” cơ thể, khiến cơ thể tưởng rằng bé vẫn còn nhu cầu bú sữa, nên sẽ tự động sản xuất thêm. Nhờ đó mà sữa mẹ sẽ ngày càng dồi dào hơn.

 

Thông thường từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 sau sinh, sữa bắt đầu về nhiều. Lúc này mẹ cần cho bé bú hoặc kết hợp vắt sữa 8-12 lần/ngày kể cả ban đêm, tức là trung bình 3h/lần. Số lượng này có thể nhiều hơn nếu bé có nhu cầu nhiều.

Để duy trì nguồn sữa, bạn cần tiếp tục vắt/cho bú ít nhất 8 lần/ngày trong khoảng thời gian tiếp theo. Khoảng cách giữa các lần không được quá 6 tiếng. Quá trình này cần liên tục trong ít nhất 6 tuần đầu tiên. Nên thực hiện hút sữa sau khi bé bú xong. Hút cạn số sữa còn lại ở hai bầu ngực để kích thích sữa về nhiều hơn.

4. Uống nhiều nước

Nước, đặc biệt là nước ấm, được xem là yếu tố rất quan trọng giúp cho cơ thể mẹ sản xuất sữa mỗi ngày. Nếu bạn mất nước hoặc thiếu nước, cơ thể sẽ sản xuất ít sữa hơn. Rất nhiều phương pháp dân gian giúp lợi sữa đều liên quan đến đường uống, như uống nước trà vằng, nước gạo lứt, nước lá đinh lăng, lá rau má… Bạn cũng có thể uống một ly sữa đặc ấm 15 phút trước khi cho bé bú. Đây là cách rất nhiều mẹ áp dụng và cho hiệu quả cao. Còn khi bạn không có thời gian, bạn chỉ cần đơn giản mang một chai nước bên mình và thường xuyên uống nhằm đảm bảo có đủ nước để sản xuất sữa.

 

5. Ăn uống khoa học, đảm bảo dinh dưỡng

Dù mẹ đã áp dụng tất cả những phương pháp trên, thì điều mấu chốt nhất vẫn là vấn đề dinh dưỡng. Nếu nguồn dinh dưỡng mẹ bổ sung không đủ, không đúng cách thì cơ thể không thể đảm bảo số lượng sữa đủ đầy cho bé. Trong thời gian cho con bú mẹ không nên cố gắng giữ dáng, cũng không nên kiêng khem khắc nghiệt. Mẹ sau sinh cần 2.500 kcalo mỗi ngày mới đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất sữa cho con.

Tuy nhiên như vậy không có nghĩa là mẹ cố gắng ăn thật nhiều những chất bổ béo, dễ gây tăng cân như móng giò, tinh bột. Muốn có đủ sữa cho bé và tăng chất lượng sữa, mẹ cần ăn đa dạng thực phẩm, cân bằng đầy đủ 4 nhóm đạm, tinh bột, vitamin khoáng chất và chất béo. Trong đó, mẹ nên ưu tiên các thực phẩm giàu chất xơ vitamin khoảng chất, vừa giúp mẹ không bị tăng cân, táo bón, và đây cũng là cách quyết định nhất để tăng chất lượng sữa mẹ, giúp sữa mẹ sánh đặc và nhiều dinh dưỡng hơn.