Dịch âm đạo có mùi hôi khi mang thai có nguy hiểm gì không

Dịch âm đạo có mùi hôi khi mang thai có phải là điều bình thường?

Vùng kín xuất hiện dịch âm đạo hay khí hư là điều bình thường trong thai kỳ. Không những vậy, một số bà bầu còn ra khí hư có mùi hôi. Thực tế, tình trạng này khá là phổ biến với khoảng 65% bà bầu gặp phải trong giai đoạn đầu. Theo thống kê, cứ 10 bà bầu thì lại có 6 người trải qua tình trạng vùng kín có mùi hôi tanh khi đang mang thai. Do đó, nếu đang gặp phải tình trạng này, bạn không cần phải quá lo lắng.

Bà bầu ra khí hư có mùi hôi: Nguyên nhân do đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến vùng kín có mùi khi mang thai, chẳng hạn như do sự thay đổi cân bằng pH, mồ hôi, nhiễm trùng, thay đổi nội tiết tố và chế độ ăn. Nếu nguyên nhân không phải do bệnh lý thì tình trạng này sẽ biến mất sau sinh:

1. Nhiễm trùng

Nhiễm trùng âm đạo khi mang thai có thể là nguyên nhân khiến bà bầu có khí hư ra nhiều có mùi hôi. Nếu bị nhiễm trùng âm đạo, ngoài triệu chứng dịch âm đạo có mùi, bạn còn cảm thấy ngứa ở “vùng kín”. Nguyên nhân gây nhiễm trùng có thể là do nấm hoặc vi khuẩn.

2. Thay đổi chế độ ăn

Việc thay đổi chế độ ăn trong thai kỳ cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng dịch âm đạo có mùi hôi. Chẳng hạn, nếu bạn ăn nhiều tỏi hoặc thực phẩm cay thì việc dịch âm đạo của bạn có mùi cũng là điều dễ hiểu.

3. Mất cân bằng pH có thể khiến dịch âm đạo có mùi hôi

Độ pH bình thường của âm đạo là từ 3,8 đến 4,5. Độ pH này sẽ được giữ ổn định bởi các vi khuẩn có lợi và hệ vi sinh vật tự nhiên sống trong âm đạo. Khi mang thai, lượng máu chảy qua vùng âm đạo gia tăng khiến độ pH thay đổi. Điều này làm cho âm đạo dễ bị nhiễm khuẩn và khiến bà bầu bị hôi vùng kín.

4. Thay đổi nội tiết tố

Khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ sẽ thay đổi rất nhiều. Cụ thể, hai hormone là progesterone và estrogen sẽ tăng rất nhanh để hình thành nhau thai nhằm nuôi dưỡng thai nhi. Không những vậy, nồng độ prolactin cũng sẽ tăng lên để hỗ trợ cơ thể mẹ bầu sản xuất sữa. Những thay đổi nội tiết tố này có thể là nguyên nhân khiến âm đạo tiết nhiều dịch và có mùi hôi.

Chữa mùi hôi vùng kín khi mang thai như thế nào?

Dưới đây là một số cách trị hôi vùng kín cho bà bầu mà bạn có thể thử:

1. Sạch sẽ và khô thoáng

Trong thời gian mang thai, bạn cần giữ vùng kín luôn sạch sẽ và khô ráo. Mẹ bầu nên tắm và làm sạch vùng kín thường xuyên bằng nước ấm. Bạn cũng có thể sử dụng thêm dung dịch vệ sinh phụ nữ nếu được bác sĩ đồng ý. Ngoài ra, bạn cũng nên cắt tỉa lông vùng kín gọn gàng.

2. Tránh sử dụng các sản phẩm tẩy rửa

Mẹ bầu cần tránh sử dụng các sản phẩm tẩy rửa, vệ sinh âm đạo như thuốc xịt có mùi thơm hoặc các loại xà phòng có chứa thành phần gây kích ứng. Những sản phẩm này có thể loại bỏ vi khuẩn tự nhiên sống trong âm đạo và khiến dịch âm đạo có mùi hôi.

3. Mặc đồ lót bằng cotton

Bạn hãy bỏ ngay những chiếc quần lót làm từ vải sợi tổng hợp và thay thế bằng những chiếc quần “chíp” được làm từ cotton. Nguyên nhân là do đồ lót được làm bằng vải cotton sẽ giúp làn da thông thoáng và hấp thụ mồ hôi tốt hơn.

4. Thay đổi chế độ ăn

Thay đổi chế độ ăn trong thai kỳ là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và bé yêu, bạn nên ăn nhiều trái cây và rau xanh, tránh ăn thực phẩm cay hoặc thực phẩm có mùi như tỏi, rau cần tây.

5. Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Trong trường hợp nguyên nhân khiến bà bầu bị hôi vùng kín là do nhiễm trùng, hãy đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Dịch âm đạo có mùi hôi: Khi nào cần đi khám?

Tình trạng bà bầu bị hôi vùng kín có thể xuất phát từ những nguyên nhân đơn giản như thay đổi chế độ ăn hoặc thay đổi nội tiết tố. Tuy nhiên, cần lưu ý là khi phát hiện, bạn vẫn nên đi khám để đảm bảo không bị nhiễm trùng hoặc nảy sinh các vấn đề sức khỏe khác có thể gây hại cho em bé:

1. Mùi hôi dai dẳng

Tình trạng dịch âm đạo có mùi hôi có thể tồn tại trong một thời gian dài trong thai kỳ. Tuy nhiên, nếu tình trạng này đi kèm với dịch tiết màu vàng hoặc màu xanh lá cây, bạn nên đi khám bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng viêm âm đạo do nấm men hoặc vi khuẩn.

2. Ngứa đi kèm với dịch âm đạo có mùi hôi

Nếu bạn bị ngứa dai dẳng, liên tục bên trong âm đạo mà không thể kiểm soát, hãy đi khám bởi đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo viêm âm đạo do trùng vi khuẩn.

3. Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs)

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có thể khiến khí hư ra nhiều có mùi hôi. Nếu đang mắc phải những bệnh này, bạn cần đi khám để được điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé.

4. Đau và viêm nhiễm

Nếu bạn thấy đau, nóng rát khi giao hợp hoặc khi đi tiểu, bạn nên đi khám. Bởi đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm trùng.

5. Dịch âm đạo có mùi hôi đi kèm với các dấu hiệu khác

Nếu bạn thấy dịch tiết âm đạo có lẫn máu, có hình dạng giống phô mai, có mùi tanh, có màu xanh lục hoặc hơi vàng, bạn cũng nên đi khám.

Phòng ngừa tình trạng dịch âm đạo có mùi hôi

Chú ý giữ vệ sinh là phương pháp đơn giản có thể giúp ngăn ngừa tình trạng vùng kín có mùi khi mang thai. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử một số bí quyết sau:

  • Bổ sung chất lỏng: Một trong những cách ngăn ngừa tình trạng dịch âm đạo có mùi hôi là bổ sung đủ nước cho cơ thể. Mỗi ngày, bạn cần uống ít nhất 2 – 3 lít nước.
  • Lau từ trước ra sau:Luôn lau từ phía âm đạo về phía hậu môn để giảm nguy cơ lây lan vi khuẩn từ phân sang âm đạo.
  • Không thụt rửa:Thụt rửa có thể gây kích ứng các mô âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu. Bạn có thể làm sạch âm đạo bằng nước ấm thay vì sử dụng xà phòng hoặc các dung dịch vệ sinh.

Bà bầu ra khí hư có mùi hôi có thể chỉ là do những nguyên nhân đơn giản như thay đổi nội tiết tố. Tuy nhiên, nó cũng là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm trùng. Nếu bạn nghi ngờ mình đang gặp phải một vấn đề sức khỏe nào đó, hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời